6 vị trí trong bếp còn bẩn hơn cả bồn cầu
Mọi người thường nghĩ nhà vệ sinh là nơi bẩn nhất trong nhà, nhưng trên thực tế, nhà bếp mới là môi trường cho vi khuẩn sinh sôi.
Bác sĩ Liu Pengchi, chuyên gia y học gia đình tại Bệnh viện Shin Kong, Đài Loan, nói trong chương trình Sức khỏe 2.0 của đài TVBS: Nhà bếp với nhiệt độ cao, độ ẩm lớn cùng cặn thức ăn và khói dầu là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn như: staphylococcus aureus (tụ cầu vàng), salmonella, nấm mốc và thậm chí cả virus. Bác sĩ cũng chỉ ra 6 vật dụng trong bếp tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh cao, bẩn hơn cả bồn cầu.
Giẻ lau bếp
Giẻ lau là vật dụng tiếp xúc với nhiều bề mặt trong bếp, từ bàn ăn, chậu rửa đến bếp nấu. Nếu giẻ không được làm sạch trong hai ngày, lượng vi khuẩn có thể lên đến 600 triệu con, trở thành ổ vi khuẩn di động trong bếp. Sau mỗi lần sử dụng, giẻ lau nên được giặt sạch bằng xà phòng và ngâm trong nước tẩy để diệt khuẩn. Đặc biệt, nên phơi khô giẻ dưới nắng thay vì để trong bếp, vì môi trường ẩm sẽ thúc đẩy vi khuẩn sinh sôi nhanh chóng.
Miếng cọ rửa
Dù trông sạch sẽ, miếng cọ rửa bát lại là nơi tích tụ cặn thức ăn và vi khuẩn cực kỳ nhanh. Nếu không được vệ sinh đúng cách, chỉ trong hai bữa ăn, miếng cọ có thể chứa đến 100 triệu vi khuẩn. Để hạn chế vi khuẩn phát triển, sau khi dùng, miếng cọ rửa nên được xả thật kỹ và phơi khô. Có thể ngâm trong nước muối hoặc nước tẩy pha loãng một tuần một lần để diệt khuẩn hiệu quả. Nên thay miếng cọ rửa mỗi hai tuần/lần để đảm bảo an toàn vệ sinh.
Thớt
Thớt là vật dụng không thể thiếu trong bếp, nhưng cũng là “ổ chứa” vi khuẩn nếu không được làm sạch đúng cách. Sau 7 ngày sử dụng liên tục, thớt có thể chứa hàng vạn vi khuẩn bám vào các vết xước nhỏ trên bề mặt.
. Bác sĩ Liu khuyên nên dùng hai loại thớt: một cho thực phẩm sống và một cho thực phẩm chín. Sau khi sử dụng, nên rửa thớt bằng nước lạnh trước, sau đó chà kỹ với xà phòng. Phơi thớt ở nơi khô ráo và có ánh nắng để ngăn vi khuẩn sinh sôi.Chậu rửa bát
Chậu rửa bát tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm sống, nước bẩn và các mảng bám dầu mỡ. Theo thống kê, có khoảng 15% bồn rửa trong nhà bếp chứa dấu vết của vi khuẩn Ecoli – nguyên nhân gây ngộ độc và các vấn đề tiêu hóa. Chậu rửa nên được cọ rửa hàng ngày bằng dung dịch tẩy rửa và chà thật kỹ ở các góc khuất.
Tay nắm tủ lạnh
Tủ lạnh là nơi bảo quản thực phẩm nhưng tay nắm cửa lại ít được vệ sinh. Đây là vị trí tay người thường xuyên chạm vào, vô tình mang theo vi khuẩn. Nhiều nghiên cứu phát hiện tay nắm tủ lạnh có thể chứa tụ cầu vàng, một loại vi khuẩn gây bệnh đáng lo ngại. Bạn nên lau tay nắm tủ lạnh bằng khăn ẩm có tẩm dung dịch sát khuẩn ít nhất hai lần mỗi tuần. Ngoài ra, bạn cũng nên lau dọn toàn bộ bề mặt tủ lạnh và các ngăn chứa để tránh vi khuẩn lan rộng.
Máy hút mùi
Máy hút mùi là thiết bị thường xuyên tiếp xúc với khói dầu và bụi bẩn trong quá trình nấu nướng. Khi các lớp dầu mỡ bám dày trên bề mặt và lưới lọc, vi khuẩn, bụi và nấm mốc dễ dàng tích tụ. Vệ sinh máy hút mùi định kỳ bằng cách tháo lưới lọc và ngâm trong nước nóng pha xà phòng hoặc nước tẩy rửa. Đối với phần vỏ máy, nên lau sạch dầu mỡ bám bên ngoài để đảm bảo thiết bị hoạt động hiệu quả và không gây ô nhiễm ngược lại cho không khí trong bếp.