Loạt dự án ‘đất vàng’ bỏ hoang nhiều năm ở trung tâm TPHCM
Loạt dự án “đất vàng” trị giá hàng nghìn tỷ đồng ở trung tâm TPHCM nhiều năm qua bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm chưa có dấu hiệu thay đổi.
Khu đất “vàng” 2-4-6 Hai Bà Trưng có diện tích hơn 6.000m2 với 4 mặt tiền. Ngoài mặt chính là Hai Bà Trưng còn có 3 mặt giáp đường Thi Sách, Đông Du và Công Trường Mê Linh (quận 1, TPHCM).
Nằm giữa các tòa nhà cao ốc văn phòng, khách sạn hạng sang như Vietcombank Tower, Hilton Sài Gòn, Mê Linh Point, The Reverie Saigon… nhiều năm qua, khu đất vẫn trong tình trạng hoang hóa, 4 bề rào chắn.
Ngày 11/10/2022, Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM tiếp nhận khu đất “vàng” số 2-4-6 Hai Bà Trưng để quản lý.
Khu đất này liên quan đến vụ án biến đất công thành đất tư, được TAND cấp cao tại Hà Nội xử phúc thẩm vào tháng 1/2022. Bản án tuyên giao khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng cho UBND TPHCM xem xét xử lý.
Hiện nay, vỉa hè đường Thi Sách đang được sử dụng nhận giữ xe máy, một phần nhỏ cho thuê ki-ốt kinh doanh và làm nhà vệ sinh miễn phí cho người dân và du khách.
Nằm ở vị trí đắc địa trung tâm thành phố, khu đất được kỳ vọng sớm triển khai dự án phù hợp để đồng bộ với các công trình xung quanh, tránh tình trạng tiếp tục hoang hóa, gây lãng phí tài nguyên đất.
Cũng ở trung tâm quận 1, khu đất vàng tại số 8-12 Lê Duẩn với diện tích gần 5.000m2 bị bỏ hoang nhiều năm, chỉ được sử dụng làm bãi giữ xe.
Khu đất này được xác lập sở hữu nhà nước vào năm 1994 và giao Công ty Quản lý kinh doanh nhà ký hợp đồng cho 4 công ty Kim khí, Hóa chất vật liệu điện, Thiết bị phụ tùng và Vitaco thuê, trả tiền hàng năm.
Năm 2016, Thanh tra Chính phủ có báo cáo kết luận. Theo đó, UBND TPHCM có sai phạm trong việc không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá tài sản trên đất tại khu nhà đất 8-12 Lê Duẩn. Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị thu hồi khu đất để bán đấu giá. Theo cơ quan này, việc đấu giá có thể thu về khoảng 2.000 tỷ đồng.
Tháng 9/2022, Cục Thi hành án dân sự bàn giao khu đất này cho UBND TPHCM.
. Sau khi tiếp nhận, UBND TP giao Trung tâm Phát triển quỹ đất, Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý.
Khu đất 152 Trần Phú rộng gần 31.000m² với 3 mặt tiền đường Trần Phú – Lê Hồng Phong – Trần Nhân Tôn, là vị trí đắt đỏ ngay trung tâm. Với diện tích lớn, nơi đây dự kiến xây dựng cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chỉ là bãi đất trống bỏ hoang.
Nhiều năm kể từ khi cấp đất, dự án vẫn chưa được triển khai, chỉ quây tôn xung quanh.
Ngày 15/10/2023, UBND TPHCM ban hành quyết định số 4856 về thu hồi khu đất 152 Trần Phú. Theo đó, yêu cầu Công ty TNHH Vina Aliiance, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam – Công ty TNHH MTV bàn giao khu đất nêu trên cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tiếp nhận, quản lý theo quy định; bàn giao bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp.
Sau khi UBND TP ra quyết định thu hồi khu đất 152 Trần Phú (quận 5), do chưa được bàn giao, UBND quận 5 tiến hành thủ tục cưỡng chế thu hồi.
Người dân sống quanh khu đất bày tỏ sự xót xa khi dự án nhiều năm chưa triển khai, bên trong khu đất như đồng cỏ lau còn bên ngoài trở thành nơi tập kết rác, vật liệu xây dựng vô cùng nhếch nhác.
Mới đây, sau gần một thập kỷ bỏ hoang, khu đất vàng số 1, đường Lý Thái Tổ (quận 10) vừa được các cơ quan chức năng dự tính phát triển thành một khu phức hợp, khi hoàn tất thủ tục điều chuyển từ Bộ Ngoại giao về cho TPHCM.
Khu đất 3 mặt tiền tại giao lộ Lý Thái Tổ – Hùng Vương – Trần Bình Trọng, gần ngã 6 Cộng Hòa với diện tích 3,7ha.
Sở hữu vị trí đắc địa nhờ giáp ranh với các quận trung tâm TPHCM nhưng gần chục năm qua, mặt bằng này không được sử dụng.
Trong khuôn viên khu đất rộng 3,7ha của khu nhà khách có 7 căn biệt thự cũ được xây dựng theo kiến trúc Pháp, gồm một trệt và hai lầu, chiếm tổng diện tích khoảng 7.000m2 với phần lớn là vườn cây gồm nhiều loại cây cảnh.
Nhiều năm qua, khu nhà khách này không được sử dụng, ngày càng xuống cấp và gây lãng phí. Vấn đề này đã được cử tri quận 10 nhiều lần phản ánh.
Nguồn: vietnamnet.vn