Tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) sẽ vận hành thương mại trong tháng 12-2024. Từ số báo này, Tuổi Trẻ sẽ thông tin, giải đáp đến bạn đọc những điều liên quan việc đi lại trên tuyến tàu điện đầu tiên của TP.HCM.
Đi đến metro cách nào tiện nhất?
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Ngô Hải Đường – trưởng Phòng quản lý vận tải Sở Giao thông vận tải TP.HCM – thông tin về các tuyến buýt và các loại hình kết nối metro.
Ông cho biết Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã đấu thầu và đang chuẩn bị để đưa vào hoạt động 17 tuyến xe buýt gom hiện đại (sử dụng xe buýt điện), cùng lúc với tuyến metro. Ngoài 17 tuyến buýt gom nói trên, TP.HCM cũng tổ chức kết nối vào 3 nhà ga ngầm (Ba Son, Bến Thành, Nhà hát TP) loại hình xe điện 4 bánh, xe đạp công cộng.
Còn ở 11 nhà ga nổi thì có thêm kết nối xe máy công nghệ, taxi…, mở thêm các tuyến buýt kết nối với khu Đại học Quốc gia TP.HCM. Người dân có thể dễ dàng, nhanh chóng tiếp cận các nhà ga metro, mua vé, lên tàu… qua nhiều loại phương tiện. Về lâu dài, Sở Giao thông vận tải TP.HCM mở rộng kết nối từ metro đến tuyến buýt thủy (năm 2025).
Đối với người đi bộ, các đơn vị đã xây dựng hệ thống cầu đi bộ kết nối vào các nhà ga, cải tạo lối đi cho người đi bộ tiếp cận. Đối với người dân đi xe đạp, xe máy thì có hệ thống 5 bãi giữ xe được tổ chức. Người dân từ TP Thủ Đức đến dọc các ga gửi xe rồi lên tàu đi vào trung tâm TP.HCM làm việc.
“Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Sở Giao thông vận tải đã xác định nhằm đưa ra kế hoạch cụ thể để kết nối metro số 1 là tổ chức giao thông khu vực nhà ga và dọc tuyến.
Cụ thể, lắp đặt biển báo, sơn đường, cải tạo vỉa hè, lòng đường và việc rà soát công tác tổ chức giao thông tại từng nhà ga.
Làn xe ưu tiên xe đạp kết nối với tuyến metro qua quận 1, 3, 5, Bình Thạnh đã được bổ sung, ghi vốn và dự kiến khởi công trong tháng 12.
Mua vé đi metro số 1 như thế nào?
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hiện nay TP.HCM đang hoàn chỉnh phương án giá vé đi metro và đang trình UBND TP ban hành. Tin vui cho người dân, metro số 1 được trợ giá từ ngân sách để khuyến khích mọi người đi, tăng tính cạnh tranh với các loại tàu xe khác.
UBND TP.HCM đã ban hành quy định về quản lý, điều hành giao thông vận tải đường sắt đô thị. Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã trình UBND TP.HCM phương án giá vé của tuyến metro số 1, vé đi metro gồm 2 loại cơ bản: vé lượt để người dân đi trên một tuyến trong một ngày, còn vé bán trước để đi thường xuyên trong khoảng thời gian một ngày hoặc dài hơn.
Với vé lượt, hành khách trả bằng tiền mặt sẽ trả từ 7.000 – 20.000 đồng (tùy theo quãng đường đi lại).
. Còn nếu trả qua thẻ nạp tiền thì trả từ 6.000 – 19.000 đồng.Về cách thức mua vé, ông Ngô Hải Đường cho hay hành khách đi metro có nhiều cách để mua vé tàu như mua bằng tiền mặt, qua tài khoản.
Hiện nay, Sở Giao thông vận tải đang xây dựng phương án giá vé liên thông giữa xe buýt và metro để trình UBND TP ban hành, tạo điều kiện thuận tiện cho hành khách sử dụng giao thông công cộng.
Theo Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1, hệ thống bán vé tại các ga được thiết kế để áp dụng vé điện tử, đáp ứng yêu cầu chủ động điều chỉnh giá vé và người dân có thể lựa chọn nhiều hình thức thanh toán khác nhau.
Giá vé sau khi được ban hành sẽ niêm yết tại các ga và công khai trên trang thông tin điện tử. Trong trường hợp người dân đi quá ga thì cần mua vé bổ sung. Việc trả lại và đổi vé chỉ áp dụng khi vé chưa được dùng.
Tìm thông tin lịch trình, giá vé ở đâu?
Bà Văn Thị Hữu Tâm – phó giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 – cho biết công ty cũng sẽ cung cấp thông tin chi tiết về lịch trình, giá vé và các ga qua website và ứng dụng di động, giúp người dân thuận tiện trong việc lên kế hoạch đi đúng giờ.
Theo bà Tâm, trước khi đi, người dân cần luôn cập nhật thông tin về giờ chạy tàu, các tuyến đường và điểm dừng trên website hoặc ứng dụng di động của metro để lên kế hoạch di chuyển phù hợp. Mang theo điện thoại để tra cứu thông tin, xem bản đồ đường đi và dùng các ứng dụng thanh toán điện tử.
“Trong khi đi, người dân phải chú ý lắng nghe các thông báo trên tàu và tại các nhà ga để nắm bắt thông tin về điểm dừng tiếp theo, các sự cố bất thường (nếu có). Duy trì trật tự, không chen lấn, xô đẩy, nhường chỗ cho người già, trẻ em, phụ nữ có thai và người khuyết tật là điều mà mọi người cần làm”, bà Tâm cho hay.
Đi metro, khách được đem hành lý gì?
Hiện nay, người dân khi lên tàu cần chú ý về khối lượng hành lý và phải đảm bảo an toàn theo quy định chung, kích thước phù hợp với những yêu cầu tại cửa soát vé hoặc trên tàu. Về việc mang vác hành lý, người dân cần hạn chế mang theo hành lý quá khổ, quá nặng để thuận tiện cho việc đi lại và không gây cản trở cho hành khách khác.
Nếu hành lý thuộc loại hàng hóa nguy hiểm, đe dọa đến an toàn chạy tàu… đơn vị vận hành phải thông báo ngay đến cơ quan thẩm quyền. Trong trường hợp người dân đi tàu nhưng bị ốm đau không thể tiếp tục đi, lái tàu có trách nhiệm thông báo cho tổ điều hành và ga đến gần nhất để được hỗ trợ.
Người dân đi tàu cũng được quyền yêu cầu xử lý và công bố kết quả xử lý khiếu nại vi phạm của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trên tuyến đường sắt đô thị (nếu có). Về giải quyết sự cố tàu bị dừng, nếu chỉ dừng do kỹ thuật, phải bố trí tàu để khách tiếp tục đi sớm nhất.
Còn nếu tàu dừng vận hành do kỹ thuật nhưng chưa xác định thời gian khắc phục, doanh nghiệp phải có phương tiện thay thế để chở khách hoặc hoàn trả tiền vé.
UBND TP.HCM cũng đã quy định rõ doanh nghiệp phải báo cáo về việc xây dựng, điều chỉnh biểu đồ chạy tàu, tổng hợp thống kê sự cố… về Sở Giao thông vận tải cùng các đơn vị liên quan theo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu.
Nôn nao chờ ngày tàu chạy chính thức
Việc chạy thử nghiệm 100% công suất những ngày qua rất quan trọng – đây là bước chuyển tiếp sang vận hành thương mại. Mục đích chính của việc vận hành thử nhằm kiểm tra kỹ thuật, đảm bảo các hệ thống phối hợp nhịp nhàng. Đồng thời tất cả nhân viên cũng có cơ hội được thực hành những kiến thức, kỹ năng đã được đào tạo, tập huấn vào thực tế.
“Các cơ quan đơn vị liên quan metro số 1 ở TP.HCM vẫn đang tập trung cao độ, có những ngày làm việc xuyên đêm, không nghỉ cuối tuần…
Nhất là ngày tàu chạy thử, các bên phải cập nhật tình hình liên tục, hoàn thiện mọi công việc hướng đến ngày tàu chạy thương mại mọi thứ sẽ an toàn, thuận tiện nhất”, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM nói.
Trước đó, từ những tháng đầu năm 2021, từng đoàn tàu metro số 1 từ Nhật Bản cập cảng Khánh Hội, TP.HCM. Các đoàn tàu sau đó được xe siêu trường, siêu trọng vận chuyển trong đêm về depot Long Bình (nơi tập kết, bảo dưỡng).
Đến giữa năm 2022, toàn bộ 51 toa thuộc 17 đoàn tàu metro số 1 đã hoàn tất việc vận chuyển về nước và lắp đặt tại depot Long Bình và lần lượt được vận hành thử nghiệm.
Đến cuối tháng 8-2023, lần đầu tiên người dân TP.HCM nhìn thấy 17 đoàn tàu của tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) chạy thử toàn tuyến, lộ trình dài gần 40km.
Ngày 11-11-2024, metro số 1 chạy thử nghiệm 100% công suất như vận hành thương mại, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong khoảng thời gian chạy nước rút để tiến đến chạy chính thức sau rất nhiều năm chờ đợi.
Những trường hợp nào được miễn vé đi metro?
Ông Ngô Hải Đường – trưởng Phòng quản lý vận tải Sở Giao thông vận tải TP.HCM – cho biết Sở Giao thông vận tải đã xây dựng dự thảo nghị quyết của HĐND TP ban hành chính sách hỗ trợ người sử dụng và hỗ trợ kinh phí hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, tàu điện.
Trong đó có nội dung hỗ trợ 100% giá vé bằng ngân sách TP đối với người có công với cách mạng, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi.
Đồng thời ngân sách TP hỗ trợ 100% giá vé cho người đi xe buýt đối với các tuyến kết nối tuyến metro số 1 và người đi trực tiếp trên tuyến metro này.
Thời gian áp dụng trong 30 ngày, kể từ ngày tuyến metro số 1 bắt đầu khai thác vận hành thương mại.
Những trường hợp thuộc diện được miễn giá vé khi đi metro, xe buýt kết nối… cần có thẻ đi miễn phí do Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cấp, dựa theo giấy tờ liên quan, có xác thực của địa phương. Riêng trẻ em dưới 6 tuổi khi đi metro, xe buýt cần có thẻ căn cước.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết dự án tuyến metro số 1 bao gồm 14 nhà ga, trong đó có 3 nhà ga ngầm và 11 nhà ga trên cao. Trong 11 nhà ga trên cao có 9 nhà ga có cầu bộ hành, 2 nhà ga không có cầu bộ hành là ga Tân Cảng và ga Suối Tiên.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng phối hợp cùng các bên liên quan làm dự án tăng cường kết nối tuyến metro số 1, xây dựng các bãi xe tại 5 vị trí nhà ga (gồm 2 bến xe buýt, 5 bãi xe cá nhân).
Cụ thể, ga Văn Thánh xây dựng bãi đậu xe buýt, diện tích khoảng 1.596m2 dưới gầm cầu đường sắt và xây dựng 1 bãi đậu xe cá nhân khoảng 770m2 dưới gầm cầu vượt bên cạnh khu vực đón trả khách dành cho xe buýt, taxi.
Ga Thảo Điền xây dựng bãi đậu xe cá nhân với diện tích khoảng 1.000m2 trên dải đất ven xa lộ Hà Nội và lối đi bộ kết nối đến chân cầu bộ hành. Ga Rạch Chiếc xây dựng bãi đậu xe cá nhân với diện tích khoảng 1.500m2 trên dải đất ven xa lộ Hà Nội và xây dựng lối đi bộ đến chân cầu bộ hành.
Tương tự, bãi xe ga Phước Long diện tích 1.000m2. Ga Bình Thái xây dựng bãi xe buýt khoảng 3.000m2, xây bãi đậu xe cá nhân với diện tích 1.000m2 và xây dựng lối đi bộ đến chân cầu bộ hành.
Bên cạnh đó, sẽ xây dựng 67 nhà chờ xe buýt, 196 trụ dừng xe buýt, đường bộ hành, vỉa hè… tại 11 vị trí lân cận các nhà ga trên cao và dọc 2 bên các tuyến đường thuộc mạng lưới tuyến xe buýt kết nối với các nhà ga của tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) để phục vụ tốt nhất cho người dân đi metro.