Quan chức Mỹ và nguồn tin Ukraine xác nhận Kiev đã sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga hôm 19-11.
Ukraine đã thực sự bắn ATACMS vào lãnh thổ Nga?
Ngày 19-11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh phê duyệt học thuyết hạt nhân đã sửa đổi của nước này, trong đó nhấn mạnh Nga có thể đáp trả hạt nhân với kiểu tấn công thông thường.
Sau đó cùng ngày, Matxcơva cáo buộc quân đội Ukraine không kích vùng Brynask bằng 6 tên lửa ATACMS có tầm bắn 300km do Mỹ sản xuất. Hệ thống phòng không của Nga đã đánh chặn được 5 tên lửa và phá hủy 1.
Trước đó có thông tin cho rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đồng ý cho Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công vào mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga.
Ukraine tuyên bố đã tấn công một kho vũ khí cách biên giới khoảng 110km bên trong lãnh thổ Nga và cuộc tấn công đã gây ra vụ nổ thứ cấp. Song quân đội Kiev không công khai nêu rõ các loại vũ khí đã sử dụng.
Một quan chức Mỹ và nguồn tin từ Ukraine không nêu tên sau đó xác nhận với Reuters rằng Kiev đã thực hiện tấn công sâu vào lãnh thổ Nga với tên lửa ATACMS.
Quan chức Mỹ cho biết Nga đã đánh chặn được 2 trong số 8 tên lửa và cuộc tấn công nhắm vào tại một địa điểm cung cấp đạn dược.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết việc sử dụng ATACMS là tín hiệu rõ ràng cho thấy phương Tây muốn leo thang xung đột.
Matxcơva cho biết những vũ khí như vậy không thể được bắn đi nếu không có sự hỗ trợ trực tiếp của Mỹ và việc sử dụng chúng sẽ khiến Washington trở thành bên tham chiến trực tiếp trong cuộc chiến, buộc Nga phải trả đũa.
Các chuyên gia quân sự cho biết việc sử dụng tên lửa của Mỹ có thể giúp Ukraine giữ vững kiểm soát một lãnh thổ vùng Kursk của Nga – nơi Kiev đã thực hiện cuộc tấn công bất ngờ vào tháng 8.
Tuy nhiên, việc này không có khả năng tác động quyết định đến cuộc chiến đã kéo dài 33 tháng, một phần vì động thái này diễn ra quá muộn.
Các cuộc tấn công diễn ra khi chiến sự Nga – Ukraine đánh dấu ngày thứ 1.
.000. Nhiều thông tin ước tính Nga đã kiểm soát được 1/5 lãnh thổ của Ukraine.Với việc Tổng thống đắc cử Donald Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng, tương lai về hỗ trợ của phương Tây với Ukraine là rất mơ hồ, vì ông Trump từng tuyên bố sẽ kết thúc xung đột Nga – Ukraine chỉ trong 24 giờ nếu đắc cử.
Mỹ không thay đổi thế trận hạt nhân để ứng phó với Nga
Cũng trong ngày 19-11, Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng nhấn mạnh Mỹ không ngạc nhiên và không có kế hoạch điều chỉnh thế trận hạt nhân để đáp trả sau khi Nga thông báo phê duyệt học thuyết hạt nhân sửa đổi.
“Như đã nói hồi đầu tháng, chúng tôi không ngạc nhiên khi Nga tuyên bố sẽ cập nhật học thuyết hạt nhân. Nga đã báo hiệu việc này trong nhiều tuần.
Không thấy có thay đổi nào trong thế trận hạt nhân của Nga. Chúng tôi không thấy lý do gì để điều chỉnh thế trận hạt nhân hoặc học thuyết của Mỹ để đáp trả các tuyên bố của Nga ngày hôm nay”, Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng nhấn mạnh trong tuyên bố, Reuters đưa tin.
Tuyên bố của Mỹ cũng nhấn mạnh việc quân đội Triều Tiên triển khai ở Nga để hỗ trợ trong xung đột với Ukraine là “sự leo thang đáng kể”.
Học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga thiết lập khuôn khổ cho các điều kiện mà ông Putin có thể ra lệnh tấn công từ kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới của nước này.
Học thuyết nêu rõ bất kỳ cuộc tấn công nào của một quốc gia phi hạt nhân có hỗ trợ của một cường quốc hạt nhân sẽ được coi là một cuộc tấn công chung. Đồng thời bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào Nga từ một thành viên trong một khối quân sự sẽ được coi là một cuộc tấn công của toàn bộ liên minh đó.
Matxcơva đã cảnh báo phương Tây trong nhiều tháng rằng nếu Washington cho phép Ukraine bắn tên lửa của Mỹ, Anh và Pháp vào sâu trong lãnh thổ Nga thì sẽ coi đó là đối đầu trực diện với Nga.
Nguồn: Quan chức Mỹ xác nhận Ukraine bắn tên lửa ATACMS vào sâu lãnh thổ Nga – Tuổi Trẻ Online