Đua theo ‘cơn sốt’ ăn táo đỏ, những ai không nên ăn?

Táo đỏ đang là mặt hàng "hot"

Nhiều người đang theo trào lưu mua táo đỏ trên mạng để ăn hằng ngày, nhưng cần lưu ý cách dùng đúng để đạt công dụng và tránh bất lợi.

Các sàn thương mại điện tử ghi nhận lượng bán táo đỏ gia tăng đột biến trong những tháng gần đây.

Mua theo trend rồi ăn ghiền

Chị Thu Hằng (26 tuổi, TP Đà Nẵng) cho biết ở công ty chị, mọi người rất thích một KOL (người có sức ảnh hưởng) và mỗi khi người này bán bất kỳ món gì, mọi người đều đua nhau mua bằng được. Từ khi KOL này bán táo đỏ trên các phiên phát trực tiếp, mọi người đua nhau mua.

“Chỉ đăng 1 phút là bán sạch cả ngàn đơn, chậm tay là phải mua hàng thanh lý lại trên các hội nhóm. Ban đầu mình cũng đua trend thôi nhưng khi ăn thấy bắt miệng nên mua thêm nhiều túi, ăn lai rai cả ngày”, chị Hằng nói.

Chị Hoài Thương (35 tuổi, Quảng Nam) cho biết thấy “người người ăn táo đỏ, nhà nhà ăn táo đỏ”, mình cũng tò mò mua về ăn rồi thích vì nó ngọt, thơm và dẻo. Nhưng vì ăn nhiều táo đỏ khiến mặt chị nổi mụn.

Ăn táo đỏ thế nào cho đúng?

Theo lương y Phan Công Tuấn, chủ tịch Hội Dược liệu thành phố Đà Nẵng, đại táo hay còn gọi táo tàu, xếp vào loại thượng phẩm, là thuốc không có độc, có thể sử dụng lâu dài. Hầu hết sách Đông dược hiện đại đều xếp đại táo vào nhóm thuốc bổ khí.

Tùy theo cách chế biến, ngày phơi nắng đêm phơi sương, sấy bằng than củi hay bằng lò điện mà có hai loại táo đen và táo đỏ, đều là quả chín phơi sấy khô của loài Ziziphus jujuba, họ Rhamnaceae (táo), được trồng chủ yếu ở Trung Quốc.

Theo Đông y, đại táo có vị ngọt, tính ấm, công năng kiện tì, ích khí, dưỡng huyết, an thần, làm hòa hoãn (dịu bớt) tính mãnh liệt hay có độc của các vị thuốc khác trong cùng bài thuốc.

. Liều dùng thường là 3-5 quả trong một thang thuốc. Đây cũng là lượng lý tưởng cho mỗi ngày nếu ăn thường xuyên.

Các nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy tác dụng tăng trọng, an thần, bảo vệ gan, chống oxy hóa, tăng miễn dịch và tác dụng chống viêm.

Ngoài làm thuốc, táo còn là thực phẩm, vì thành phần chứa nhiều chất bổ dưỡng vitamin C, riboflavin, thiamine, carotenoid, niacin và các vitamin khác. Ngoài ra, có thêm 36 nguyên tố vi lượng như catechol, tannin, 13 loại axit amin và canxi, phospho, sắt.

“Do táo có vị ngọt (nhiều đường) nên những người bị bệnh về răng, trẻ nhỏ bị chứng cam (bụng ỏng, da vàng), người có giun sán, bị trướng bụng, đầy bụng không nên ăn. Trẻ nhỏ ăn nhiều táo dễ bị sâu răng, béo phì (vì tác dụng tăng trọng).

Vì tính ấm nên người huyết hư, nội nhiệt hay cơ địa thấp nhiệt, đàm thấp, khí trệ nên hạn chế dùng, nếu ăn nhiều trên 10 quả một ngày và thường xuyên dễ dẫn đến đầy bụng, ăn uống kém, kinh nguyệt không đều, hay bị nổi mụn cũng là lẽ thường gặp. Không nên vì ngon miệng mà ăn theo sở thích, ăn quá nhiều táo đỏ, nhất là ở trẻ nhỏ”, lương y Phan Công Tuấn nói.

Cẩn trọng xuất xứ

Theo quy định của Bộ Y tế, các vị thuốc nhập khẩu phải kèm chứng nhận CO (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) và CQ (giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa) mới được phép sử dụng.

Lương y Phan Công Tuấn khuyến cáo tình trạng nhập tràn lan táo đỏ theo đường nông sản hiện nay khó đảm bảo tin cậy, ví như các bao bì táo đỏ ghi xuất xứ ở Trung Quốc nhưng trên bao bì có tên của nơi bán bằng chữ Việt thì rất khó tin chất lượng đảm bảo.

Nguồn:Đua theo ‘cơn sốt’ ăn táo đỏ, những ai không nên ăn? – Tuổi Trẻ Online