Tự bào chữa, bà Trương Mỹ Lan nhiều lần khóc, nói không ngờ cuộc đời lại kết thúc thế này, song coi như đây là định mệnh và chấp nhận chịu trách nhiệm.
Chiều 4/10, phiên xét xử bà Trương Mỹ Lan, 68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các bị cáo về 3 tội danh tiếp tục với phần bào chữa của luật sư và bị cáo.
Khi tự bào chữa, bà Lan nhắc lại quan điểm như những lần trình bày trước là “tôn trọng quyết định của các cơ quan tố tụng”. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng mức án tù chung thân mà VKS đề nghị là quá nghiêm khắc với mình. Bà cũng xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo khác, cháu ruột Trương Huệ Vân, em dâu Ngô Thanh Nhã vì họ chỉ là người làm công ăn lương, được bà nhờ giúp đỡ SCB.
Về chồng – ông Chu Lập Cơ, bà Lan nói mức án VKS đề nghị (2 năm đến 2 năm 6 tháng) không quá nặng nề, nhưng xin tòa không kết tội chồng về hành vi Rửa tiền, để cảm thấy được “an ủi”. Bởi số tiền ông Cơ bị cáo buộc chỉ có 33 tỷ đồng, là tiền sử dụng thẻ tín dụng và số tiền này đã nộp cho SCB.
Trong gần 20 phút trình bày, bà Lan nhiều lần khóc, nói “cảm thấy buồn và đau xót” vì không ngờ cuộc đời mình lại kết thúc thế này, cũng như chứng kiến nhiều người thân, nhân viên phải đứng trước tòa ngày hôm nay. “Bị cáo coi như đây là định mệnh, là tai nạn, mà đã chấp nhận làm thì phải chịu trách nhiệm”, bà Lan nói và cam kết chịu trách nhiệm với thiệt hại của vụ án.
Trong phiên tranh luận sáng nay, bà Lan bị VKS đề nghị mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (30.000 tỷ đồng của 35.824 trái chủ);12-13 năm tù về tội Rửa tiền (445.768 tỷ đồng); 8-9 năm tù về tội Vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới (4,5 tỷ USD – tương đương 106.000 tỷ đồng). Tổng hợp hình phạt là tù chung thân.
Ở giai đoạn một vụ án, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị tòa sơ thẩm tuyên phạt án tử hình về 3 tội Đưa hối lộ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và Tham ô tài sản. Hiện, bà Lan đã kháng cáo bản án này, tòa phúc thẩm chưa ấn định ngày xét xử.
Trước đó, là người đầu tiên trình bày quan điểm bào chữa cho bà Lan, luật sư Phan Trung Hoài đề nghị HĐXX xem xét bối cảnh, nguyên nhân thực hiện hành vi của thân chủ, để có đánh giá toàn diện vụ án. Các hành vi của bà Lan diễn ra trong khoảng thời gian xuyên suốt từ năm 2012 đến tháng 10/2022. Về bản chất các sai phạm nằm trong cùng một vụ án, nhưng vì lý do đảm bảo thời hạn tố tụng nên phải tách ra thành hai giai đoạn khác nhau.
Bà Lan tham gia tái cơ cấu Ngân hàng SCB từ 3 ngân hàng yếu kém, nhiều khoản nợ xấu kéo dài không được xử lý. Nhu cầu phát hành trái phiếu vào những năm 2018 đến 2020 xuất phát từ đề xuất của các lãnh đạo SCB, nhằm giải quyết khó khăn về tài chính của ngân hàng.
“Bà Lan chỉ có tư cách là cổ đông, không giữ vai trò, chức vụ gì, không tham gia quản lý điều hành tất cả các hoạt động của SCB nên không thể là người đưa ra chủ trương. Hơn nữa, bà cũng là người không am hiểu về lĩnh vực trái phiếu, chứng khoán”, ông Hoài nói.
Ở tội Rửa tiền, luật sư đề nghị tòa xem xét lại tính xác thực của số liệu đã quy buộc số tiền bị coi là bà Lan “tham ô”, bởi căn cứ, cơ sở xác định số dư nợ của 1.284 khoản vay thuộc giai đoạn một không chính xác. Bà Lan đã kháng cáo và cơ quan tố tụng đang xem xét.
Về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, luật sư Hoài “mạnh dạn” đề nghị HĐXX cân nhắc lại việc có hay không cần thiết truy tố bà Lan về tội danh này. Bởi theo luật sư, việc nhận tiền từ nước ngoài vào Việt Nam và chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài được thực hiện thông qua hệ thống thanh toán quốc tế của SCB, với các cơ chế kiểm soát chặt chẽ của chính ngân hàng và các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
“Chủ thể thực hiện các giao dịch điện tử thanh toán quốc tế là SCB, với các pháp nhân.
. Nếu liên quan đến trách nhiệm của SCB và các pháp nhân thì có cần thiết xem xét đường lối xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội”, ông Hoài nêu vấn đề.Ngoài ra, luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét lại số tiền bị cáo buộc ở tội danh này. Trong dòng tiền chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam có khoản tiền mà 5 pháp nhân nước ngoài đã tham gia mua cổ phần (tổng cộng 170 triệu USD) và 3 pháp nhân nước ngoài mua cổ phần tại Công ty Việt Vĩnh Phú (tổng cộng hơn 10 triệu USD) góp thêm vốn để SCB tăng vốn điều lệ, được Ngân hàng Nhà nước ghi nhận.
Về khoản tiền 545 triệu USD do ông Chu Lập Cơ và các đối tác đã chuyển về cho SCB vào tháng 3/2022, theo đề nghị của bà Lan để thanh toán các khoản vay và lãi suất trái phiếu đã đến hạn của Công ty An Đông, là từ nguồn tiền vay của một số ngân hàng tại Hong Kong và các Quỹ đầu tư (tín chấp) để đưa về Việt Nam. Đến khi vụ án được khởi tố, khoản tiền này vẫn chưa thanh toán đầy đủ cho phía nước ngoài.
Các khoản tiền nhận từ các pháp nhân nước ngoài và chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài về bản chất là các khoản tiền mà bà Lan vay của các pháp nhân nước ngoài và trả nợ vay, đến nay vẫn còn hơn 1,5 tỷ USD nợ vay chưa thanh toán cho phía nước ngoài.
Nêu quan điểm tiếp đó, luật sư Giang Hồng Thanh, thay mặt bà Lan gửi lời xin lỗi đến 35.824 trái chủ về sự việc xảy ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến họ. “Bà Lan hoàn toàn không có mục đích chiếm đoạt tiền của các trái chủ. Tôi tin rằng, nếu vụ án chưa xảy ra thì bà Lan sẽ hoàn thành việc trả gốc và lãi đầy đủ cho tất cả, bởi chính người thân của bà và các nhân viên trong các công ty, ngân hàng cũng mua trái phiếu”, luật sư nói.
Ông Thanh viện dẫn, trong vụ án, 4 doanh nghiệp thuộc Vạn Thịnh Phát tham gia phát hành trái phiếu (Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra) đều không sử dụng tiền phát hành trái phiếu. Qua đó có thể thấy bà Lan chỉ muốn dồn tâm huyết của mình để xử lý các vấn đề về tài chính của SCB. Nếu nói bà mong muốn chiếm đoạt tiền của chính những người thân của mình thì “rất vô lý”.
Từ thời điểm bị bắt, 6 mã trái phiếu do nhóm các công ty phát hành được xem xét trong vụ án chưa có gói trái phiếu nào đến hạn thanh toán. Như vậy, bà đã không có cơ hội để thanh toán cho cái trái chủ.
“Bà Lan như là đầu tàu, khi đầu tàu bị chặn đứng lại thì các toa tàu không thể chạy được”, luật sư Thanh nói và cho biết ngay từ khi bị bắt bà Lan đã có lời khai về nhiều nguồn thu khác để bù đắp cho các gói trái phiếu. Ví dụ như, bà từng đề xuất với Nguyễn Phương Hồng (phó giám đốc SCB, đã chết) sẵn sàng bán 85% cổ phần của công ty gia đình sở hữu một nhà hàng khách sạn của mình trên cả nước để thanh toán cho gói trái phiếu sắp đến hạn.
Ngoài các gói trái phiếu trong vụ án, trước đó các Công ty Quang Thuận, Sunny World cũng phát hành nhiều gói trái phiếu và đều được tất toán trước hạn. Điều đó cho thấy bà luôn có phương án dự phòng cho việc trả tiền cho các gói trái phiếu phát hành.
Theo luật sư Thanh, hành vi của bà và đồng phạm có dấu hiệu phù hợp hơn về tội Làm giả tài liệu trong phát hành chứng khoán. Ngoài ra, về nhận thức của mình khi làm việc với cơ quan điều tra, bà Lan đã luôn thừa nhận việc phát hành trái phiếu là không phù hợp, luôn nỗ lực cùng gia đình tìm kiếm nguồn tài chính khắc phục hậu quả.
Luật sư Thanh thống kê, hiện có 8 nguồn tài sản chính thức với tổng số tiền khoảng 55.688 tỷ đồng có thể được thu hồi để khắc phục thiệt hại. Ngoài ra còn có khoảng 3 nguồn dự phòng với khoảng hơn 12.000 tỷ. Nếu các nguồn tiền này được thu hồi thì thiệt hại của các trái chủ sẽ được khắc phục một cách nhanh nhất và đầy đủ.
Từ đó, luật sư đề nghị tòa ghi nhận sự nỗ lực của bà Lan trong việc khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án; giảm nhẹ hình phạt; gỡ phong tỏa, kê biên đối với các tài sản của người thân, gia đình bị cáo không liên quan đến vụ án.
“Việc giảm nhẹ giúp bà Lan cảm nhận về sự khoan hồng của pháp luật, chứ bản thân bị cáo còn đang mang bản án tử hình treo lơ lửng ở giai đoạn một “, ông Thanh nói.
Bài viết tương tự :
Nguồn Bài Viết : Tai đây