Một thời khi nhắc đến hồ đá ở làng đại học (thuộc địa phận TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) người ta lại ám ảnh bởi những vụ chết chóc thương tâm. Vậy những khu vực hồ đá đó bây giờ ra sao?
Ám ảnh bởi những vụ chết đuối
Khu vực xung quanh hồ đá làng đại học là nơi tụ tập, hò hẹn quen thuộc của sinh viên và những người dân sống gần đó bởi khung cảnh thoáng đãng, thơ mộng. Tuy nhiên, nơi đây từng gây ám ảnh cho nhiều người bởi không ít những sự việc chết đuối thương tâm xảy ra. Để từ đó những hồ đá ở làng đại học bị gắn liền với những cái tên như: hồ tử thần, lời nguyền hồ đá…
Theo chia sẻ của đại diện Trung tâm quản lý và phát triển Khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM thì trong khu vực này có 5 hồ đá lớn. Nạn nhân của những vụ chết đuối thương tâm chủ yếu là sinh viên, công nhân trẻ tuổi. Và vụ việc gần đây nhất xảy ra vào tháng 7.2022, khi người dân đang đi bộ thì phát hiện thi thể của một nam thanh niên nổi trên mặt nước ở hồ đá.
Từng nghe kể lại nhiều vụ việc thương tâm ở hồ đá làng đại học, Trần Thị Thanh Thảo, sinh viên Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM, không dám bén mảng đến gần khu vực này. “Lúc mới lên thành phố học mình đã nghe anh chị đi trước kể lại và cảnh báo nên dù cảnh đẹp vẫn không dám ra gần bờ hồ. Cuối tuần mình cùng bạn bè vẫn thường ra những con đường dọc hồ đá để ngồi hóng gió, ăn uống nhưng không ra sát bờ vì sợ và bị ám ảnh bởi những vụ việc được nghe kể”, Thảo chia sẻ.
Đang dựng xe ngồi ở ghế đá hóng mát trên đường Nguyễn Du (đoạn nhìn ra hồ đá), Hồ Văn Phát (26 tuổi), ngụ tại đường Nguyễn An Ninh, TP.Dĩ An (tỉnh Bình Dương), chia sẻ: “Mình đi làm ở gần đây cũng 5 năm rồi. Mấy năm trước cứ cách vài tháng là đọc báo thấy tin tức có người chết đuối ở hồ đá. Những vụ việc này xảy ra nhiều đến nỗi mà mình không còn thấy bất ngờ khi có người chết đuối nữa. Nhưng khoảng 2 năm gần đây, mình thấy những sự việc thương tâm đó ít đi rất nhiều. Thỉnh thoảng có thời gian thì mình ra đây ngồi hóng mát, chứ không lại gần bờ hồ”.
Nói về lý do không bao giờ lại gần hồ đá, Phát cho biết: “Theo mình tìm hiểu thì những hồ đá ở đây rất sâu và nước rất lạnh. Nếu không may trượt chân ngã xuống dưới thì coi như bỏ mạng. Hơn nữa, những vụ chết đuối kia là lời cảnh tỉnh với mình, tự giác tránh xa nơi nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho bản thân”.
Những nỗ lực của cơ quan quản lý
Trong một vài năm trở lại đây, những vụ đuối nước thương tâm ở hồ đá đã giảm đi đáng kể. Đó là nhờ vào những nỗ lực quản lý, kiểm soát gắt gao của các cơ quan chức năng.
Trao đổi với PV Thanh Niên về vấn đề này, ông Trần Việt Thắng, Phó giám đốc Trung tâm quản lý và phát triển Khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết: “Các năm trước tình hình ở hồ đá rất phức tạp khi có đông sinh viên, người dân đến sát bờ hồ để câu cá, ăn uống, thậm chí là nấu nướng. Một số người còn nhảy xuống tắm, hay muốn chụp hình đẹp nên bất chấp nguy hiểm ra sát bờ hồ rồi bị trượt chân ngã”.
Để ngăn chặn tối đa các vụ việc chết đuối thương tâm, những năm gần đây trung tâm đã tiến hành nhiều biện pháp kiểm soát chặt chẽ khu vực này. “Lãnh đạo ĐH Quốc gia TP.HCM đã cho xây dựng những hàng rào kiên cố xung quanh, tăng cường các biển cảnh báo gần khu vực hồ đá. Đồng thời phối hợp cùng các cơ quan, chính quyền địa phương tuần tra, nhắc nhở sinh viên cũng như người dân không lại gần bờ hồ để chơi đùa, tắm, câu cá hay các hoạt động nguy hiểm khác”, ông Thắng cho biết.