Kìm hãm cung – cầu, giải quyết tận gốc vấn nạn ma túy

Kìm hãm cung - cầu, giải quyết tận gốc vấn nạn ma túy
Kìm cung – cầu để “chặn vòi bạch tuộc” ma túy
Từ năm 2021 đến nay phát hiện 18 chất ma túy mới, những chất ma túy mới nguy hiểm đang có xu hướng lan rộng trên thế giới, gần đây là ma túy nhóm phetamine. Đây là chất ma túy cực độc, khi tiếp xúc chỉ một lượng rất nhỏ bằng đầu tăm khoảng 20 miligam có thể gây chết người…
Tại phiên họp Quốc hội ngày 13/11, các đại biểu thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Chương trình hiện nay được thiết kế 9 dự án, 6 tiểu dự án và do 8 bộ, ngành chủ trì để tập trung theo 3 nhóm lĩnh vực: giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại.
Đề cập về chỉ tiêu giảm cung, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn Trà Vinh đề nghị cần đánh giá kỹ về tính khả thi.
Về phấn đấu phát hiện, triệt phá 100% các điểm phức tạp về ma túy và các đối tượng bán lẻ.
Đại biểu cho rằng mục tiêu này có phần quá cao và có thể khó đạt được, đặc biệt là trong bối cảnh các điểm và đối tượng ma túy ngày càng tinh vi, dễ di chuyển…
Chỉ tiêu trên 70% lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Việc ứng dụng công nghệ hết sức cần thiết để theo dõi, phát hiện và xử lý tội phạm ma túy. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là phải đảm bảo nguồn ngân sách và có lộ trình cụ thể để đạt được tỷ lệ này.
Về nhóm chỉ tiêu giảm cầu, đại biểu cho rằng kiềm chế tỷ lệ gia tăng người nghiện dưới 1% mỗi năm có thể khó thực hiện.
Đại biểu cũng đề nghị xem xét lại chỉ tiêu trên 80% trạm y tế cấp xã và 100% cơ sở cai nghiện công lập đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện.
Về kinh phí thực hiện chương trình, tổng ngân sách tối thiểu theo dự thảo nghị quyết là 22.450 tỷ đồng, số tiền này khá lớn song hợp lý.
Tuy nhiên, để đảm bảo khả thi, cần có kế hoạch sử dụng ngân sách một cách chi tiết, kiểm soát chi tiêu nghiêm ngặt và cơ chế giám sát để tránh lãng phí.
Về cơ cấu nguồn vốn, theo nghị quyết, vốn ngân sách trung ương chiếm phần lớn với 78,96%, bằng 17.725 tỷ đồng, bao gồm cả vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp, điều này cho thấy ưu tiên từ cấp ngân sách trung ương.
Điều này là cần thiết nhưng sẽ tạo áp lực lên ngân sách trung ương trong việc cân đối. Trong khi đó, vốn ngân sách địa phương chiếm tỷ lệ nhỏ hơn là 4.674 tỷ, chiếm 20,82%, điều này phù hợp cho những địa phương khó khăn nhưng các địa phương có khả năng tự cân đối ngân sách tôi đề nghị cần tăng cường trách nhiệm tài chính để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách trung ương.
.
Mặt khác, vốn huy động hợp pháp khác theo dự thảo chỉ là 50 tỷ đồng, mức vốn huy động hợp pháp khác khá thấp, chỉ chiếm 0,22% so với tổng kinh phí của chương trình.
Do đó, đại biểu đề nghị cần có kế hoạch vận động mạnh hơn từ nguồn lực xã hội, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế để đảm bảo đầy đủ nguồn lực cho chương trình này.
Theo đại biểu Nguyễn Tâm Hùng – Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu, ma túy đang là vấn đề nghiêm trọng trên toàn quốc, ảnh hưởng lớn đến xã hội và an ninh. Đầu tư vào chương trình phòng, chống ma túy là hết sức cần thiết, thể hiện quyết tâm bảo vệ an ninh và sức khỏe của cộng đồng.
Trong các chỉ tiêu đặt ra, có những chỉ tiêu còn chưa rõ và băn khoăn, như tăng trên 3% số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ toàn quốc, như vậy là chưa rõ.
Tăng số vụ được phát hiện và bắt giữ thì chưa chắc giảm, vì vừa qua có vụ bắt cả hàng tấn. Do đó, đề nghị cần xem xét.
Đại biểu cũng đề nghị cần có cơ chế quản lý và giám sát đặc thù hơn, rõ ràng trách nhiệm của từng bộ, từng ngành, từng địa phương để tránh chồng chéo và bảo đảm tính minh bạch trong thực hiện chương trình này.
Còn đại biểu Nguyễn Tiến Nam, đoàn Quảng Bình, cho rằng ma túy là vấn đề toàn cầu, là nguyên nhân phát sinh, phát triển của tội phạm, là vấn nạn của toàn xã hội, đặc biệt ma túy hiện nay đang len lỏi vào học đường, nếu không quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn thì thế hệ tương lai sẽ chịu hậu quả rất nặng nề.
Theo thống kê trong công tác giám định chất ma túy của lực lượng công an trong 4 năm gần đây thì số vụ việc đều tăng bình quân khoảng 8% mỗi năm, năm 2021 là 29.303 vụ, 10 tháng đầu năm 2024 là 30.773 vụ.
Đặc biệt, qua công tác khám, giám định chất ma túy, hằng năm đều phát hiện các chất ma túy mới, nhiều chất chưa nằm trong danh mục các chất ma túy và tiền chất theo quy định tại Nghị định số 57 năm 2022 và Nghị định số 90 năm 2024 của Chính phủ.
Từ năm 2021 đến nay, phát hiện 18 chất ma túy mới, những chất ma túy mới nguy hiểm đang có xu hướng lan rộng trên thế giới, gần đây là ma túy nhóm phetamine.
Đây là chất ma túy cực độc, khi tiếp xúc chỉ một lượng rất nhỏ bằng đầu tăm khoảng 20 miligam có thể gây chết người, tỷ lệ tử vong cao gấp trăm lần so với sử dụng heroin, đặc biệt nhóm chất này không màu, không mùi nên trong công tác phòng, chống ma túy rất khó phát hiện được bằng mắt thường hay dùng kit test thử thông thường mà phải dùng các thiết bị phân tích chuyên dụng hiện đại, có độ nhạy cao mới phát hiện được, người dùng cũng khó phát hiện do không biết hàm lượng, liều lượng bao nhiêu nên dễ tử vong.
Bên cạnh đó, với sự phát triển của khoa học, công nghệ thì những phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy cũng tinh vi, xảo quyệt như núp bóng ma túy dưới các loại thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử hay thủ đoạn mua bán ma túy trên các sàn giao dịch điện tử, sử dụng thiết bị bay không người lái…
Chính vì vậy, việc xây dựng ban hành chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống là yêu cầu cấp bách của thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nhấn mạnh việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách để ngăn chặn những hệ lụy nghiêm trọng của ma túy đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững của đất nước.
Nguồn: Kìm cung – cầu để “chặn vòi bạch tuộc” ma túy – Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới