Những ngày chạy vạy cứu con của ông bố đơn thân

Anh Toàn và con gái Phương Thảo trước nhà tại thị trấn Mường Lát, Thanh Hóa hôm 17/11

Những ngày chạy vạy cứu con của ông bố đơn thân

Thanh HóaLần thứ hai vợ bỏ đi, con trai anh Toàn mới hơn một tuổi, không lâu sau con gái mắc ung thư, chỉ một “thân gà trống” gồng gánh.

Ở khu I, thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa), mỗi khi nhắc đến hoàn cảnh anh Hà Văn Toàn, 34 tuổi, mọi người chỉ biết lắc đầu, thở dài thương cảm. Người đàn ông dân tộc Thái kết hôn với một cô gái cùng xã năm 2008. Một năm sau họ có con gái, bé Hà Phương Thảo.

Nơi vùng cao biên giới, để kiếm được đồng tiền họ phải vượt hàng trăm cây số xuống thành phố, hoặc ra các tỉnh lân cận làm thuê.

Chị vợ đi làm xa rồi bỏ đi biệt tích, để lại đứa con thơ mới 2-3 tuổi. Anh Toàn, với một mắt hỏng từ nhỏ do tai nạn, nên thường chỉ làm được phụ hồ hoặc các việc thời vụ, thu nhập thấp.

Năm 2018, anh thuyết phục được vợ quay về để cùng nhau nuôi con. Năm sau, họ có thêm với nhau một bé trai. Cuộc sống nặng nỗi lo tiền bạc hơn, nhưng anh Toàn có thêm động lực phấn đấu vì tổ ấm.

Một ngày đầu năm 2021, anh Toàn đang đi làm xa, nhận cuộc gọi của vợ bảo về nhà trông con để cô quay lại chỗ làm cũ lấy nốt vài triệu đồng tiền lương. Nhưng lần này vợ anh đi hẳn. Đến nay cô đã lấy chồng, đẻ con nơi khác.

Ngẫm lại, anh không biết do cuộc sống cực khổ nơi vùng biên không một tấc đất cắm dùi, gánh nặng gia đình lớn hay do mình chưa phải người chồng như kỳ vọng. Nhưng anh chắc chắn từ lúc cưới về “chưa bao giờ nói một lời nặng với vợ”.

“Giờ họ không ở với mình nữa, mình cũng không ép”, anh nói. “Xót nhất hai đứa con, bạn bè chúng ai cũng có mẹ cha đầy đủ”.

Lần hai cũng đau như lần một, chỉ khác gánh nặng nhiều hơn vì lúc này con gái đầu cấp 2, con trai thứ mới 1,5 tuổi. Để kiếm được vài triệu đồng mỗi tháng, người cha chấp nhận xa con. Nhưng đồng lương của anh cũng chưa bao giờ thỏa được cơn thèm sữa, thèm thịt của hai đứa trẻ.

Tháng 5/2024, năm học cuối cấp 2 vừa kết thúc cũng là lúc cô bé Hà Phương Thảo bị sưng đau chân, không đi lại được. Ngày thi vượt cấp cận kề, Thảo năn nỉ bố cho thi xong mới mổ. Anh Toàn gác lại mọi công việc, ngày bốn bận đưa đón con đến trường, bế con vào tận chỗ ngồi.

Sáng hôm xong, chiều Thảo lên bàn mổ. Bác sĩ tại Bệnh viện huyện Mường Lát xác định chân cô bé bị áp xe. Tuy nhiên, mổ xong ba tuần vẫn không thuyên giảm. Cô bé vốn gầy gò, mà vì căn bệnh lạ khiến đùi to hơn cái phích.

Nóng ruột, anh Toàn đưa con đi Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Tại đây, sau hai ngày làm đủ các xét nghiệm, bác sĩ gọi anh vào phòng riêng, thông báo: “Cháu bị u xương rồi”.

Giây phút ấy, người cha cảm thấy như có vật mạnh đập vào đầu, cả người đổ sụp. “Trước khi đi tôi cũng nghĩ bệnh con nặng, nhưng là do ca mổ áp xe không thành công thôi”, anh nói.

Cố kìm mà nước mắt cứ trào ra. Chạy về phòng bệnh, tay anh thu dọn đồ để chuyển tuyến cho con, vừa làm vừa liên hồi gạt nước mắt.

. Xung quanh, các bà, các mẹ chỉ biết vỗ vai, động viên ông bố đơn thân cố gắng.

Những ngày sau đó, anh Toàn bắt đầu hành trình chạy chữa cho con. Ngôi nhà lợp tôn ba bố con đang ở cũng trên đất nông nghiệp được tạo điều kiện cho ở tạm nên chẳng thể cầm cố vay tiền. Mỗi lần đi viện là một lần phải vay mượn toàn bộ.

Gian nan không chỉ là viện phí. Từ nơi vùng cao biên giới, hai cha con mất cả chục tiếng nằm trên những chuyến xe lắc lư mỗi lần đi viện. Do thể trạng Thảo yếu, về nhà không ăn uống được gì, nên suốt mấy tháng nay cô bé luôn phải truyền máu trước khi được điều trị.

“Lần nào hai bố con phải vượt 250 km xuống Viện Nhi Thanh Hóa truyền máu. Một tuần sau lại từ đây vượt 150 km ra Bệnh viện K ở Hà Nội truyền hóa chất”, anh Toàn cho biết.

Việc một người cha đi chăm con gái đang tuổi thiếu niên gần như hiếm có. Thảo không đi lại, không tự vận động sinh hoạt được nên cha phải chăm sóc tắm rửa, vệ sinh. Không chỉ lo cơm ăn ba bữa, bón từng miếng ăn, ông bố này còn mua cho con từng chiếc quần áo, băng vệ sinh.

“Những ngày đầu hai cha con đều thấy bất tiện, nhưng không biết phải làm thế nào”, anh chia sẻ.

Căn bệnh quái ác khiến cô bé 15 tuổi sụt quá nửa cân nặng, hiện chỉ còn ngoài 20 kg. Mái tóc đen mượt hồi nào, giờ phải cạo trọc. Gần đây, một chân con cũng buộc phải cắt.

Anh Toàn kể, trước khi vào ca hội chẩn, anh đã làm tâm lý với con, mà cũng như chuẩn bị cho chính mình. “Trong trường hợp xấu nhất có thể sẽ phải cắt chân để giữ mạng sống, con cũng đừng quá buồn”, người cha nói. “Con hiểu mà, bố ơi”, cô bé trả lời.

Dù vậy, khi ra khỏi phòng hội chẩn và được bác sĩ đưa cho tờ giấy cam kết phẫu thuật, hai cha con ôm chầm lấy nhau “khóc không biết trời đất”.

Ca mổ diễn ra ngày 21/10. Từ lúc Thảo thiếp đi cho đến khi tỉnh dậy, bên giường bệnh em là khuôn mặt u sầu của bố. Thương cha, con bé động viên tranh thủ chợp mắt vì hành trình này còn dài.

“Đằng nào con cũng không ngủ được, lúc nào truyền xong con sẽ gọi bố”, giọng nó yếu ớt nói.

Anh Lương Văn Nghiệp, trưởng thôn khu phố I, thị trấn Mường Lát cho biết gia đình bố con anh Toàn khó khăn nhất ở trên địa bàn. “Mẹ cháu đã bỏ hẳn mấy bố con, giờ một mình Toàn gà trống nuôi con. Nay cháu Thảo bị bệnh, bố phải đưa con đi viện nên không thể làm gì ra kinh tế”, anh Nghiệp cho biết.

Sau đợt truyền hóa chất gần nhất hôm 13/11, kết quả giải phẫu của bé Thảo chỉ đáp ứng 65%, nên đợt tới đây con sẽ phải bắt đầu lại một lộ trình điều trị mới.

“Đã mang con đến với cuộc đời này, tôi có trách nhiệm phải yêu thương và chạy chữa cho con, dù con đường phía trước có ra sao”, ông bố đơn thân nói.

Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.

nguồn: vnexpress.net