TP HCM ứng dụng công nghệ GIS phát hiện xây dựng trái phép

Sự thay đổi công trình xây dựng thể hiện

TP HCM ứng dụng công nghệ GIS phát hiện xây dựng trái phép

Cơ quan quản lý tại quận 12 sử dụng thiết bị bay UAV chụp ảnh độ phân giải cao các công trình, sau đó đối chiếu dữ liệu GIS để phát hiện biến động của thửa đất.

Thông tin được ông Nguyễn Hữu Nhật, Giám đốc công ty công nghệ iGeo nói tại hội thảo về quản lý thông tin nhà ở và trật tự xây dựng do Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM tổ chức sáng 20/11.

Theo ông Nhật, các đô thị lớn như TP HCM có mật độ xây dựng dày đặc, công trình sát nhau nên ảnh vệ tinh độ phân giải trong khoảng 30 – 35 cm không đáp ứng yêu cầu quản lý trật tự xây dựng. Do đó, trong dự án triển khai tại quận 12 về giám sát trật tự xây dựng bằng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý), nhóm chuyên gia sử dụng máy bay không người lái (UAV) chụp hình ở độ phân giải rất cao, khoảng 5 cm ở hai chu kỳ nhằm xây dựng bản đồ không ảnh. Các lớp dữ liệu GIS và công trình xây dựng được thiết kế trùng khớp với bản đồ không ảnh để mô hình trí tuệ nhân tạo phân tích, xác định biến động tại các thửa đất, làm cơ sở đánh giá vi phạm xây dựng.

Dữ liệu GIS được xây dựng từ các nền dữ liệu về địa hình, thửa đất, công trình xây dựng, quy hoạch, số nhà… do các cơ quan chức năng địa phương cung cấp. Với chất lượng hình ảnh độ phân giải cao, mô hình DSM cho phép phát hiện sự thay đổi chiều cao tới 0,5 m, giúp cơ quan xác định vi phạm trật tự xây dựng. “Trước đây chủ công trình xây dựng có thể ngụy trang bằng cách che bạt, quây tôn để đối phó cơ quan chức năng, nhưng với công nghệ này có thể phát hiện ra”, ông Nhật nói.

Các dữ liệu được cập nhật lên phần mềm quản lý, sử dụng mã nguồn mở. Phần mềm được xây dựng có các chức năng quản lý dữ liệu bản đồ, xác định tình trạng biến động công trình xây dựng, các công cụ thống kê, báo cáo, tìm kiếm thông tin…

Sử dụng công cụ này, trong 2 năm triển khai tại quận 12, phần mềm phát hiện nhiều trường hợp sai phạm, độ chính xác 99%. Một số ít trường hợp xác định nhầm khi khu đất trống xuất hiện công trình xây tạm phục vụ kiểm soát Covid-19, do không có dữ liệu để loại bỏ trường hợp này.

. Đại diện iGeo nói, sắp tới đơn vị sẽ hướng dẫn cơ quan chức năng địa phương thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng trên nền tảng GIS, thay vì thực hiện thủ công. Theo ông Nhật, khi sử dụng phần mềm, địa phương giảm đáng kể tình trạng xây dựng lấn chiếm, sai phép, không phép.

Ông Bùi Đức Long, Phó phòng Quản lý Đô thị quận 4, cho biết hiện địa phương cùng một số quận huyện tại TP HCM phối hợp các sở ngành và các đơn vị cung cấp xây dựng một số phần mềm trong quản lý đô thị, đang trong giai đoạn lập dự toán, lựa chọn nhà thầu thực hiện. Ông đánh giá, việc ứng dụng công nghệ GIS trong phát hiện vi phạm trật tự xây dựng rất cần thiết, hỗ trợ các cơ quan chức năng quản lý đô thị. Ông Long góp ý, dữ liệu thể hiện sự biến động công trình xây dựng cần được cập nhật theo thời gian thực, để khi phát hiện sai phạm, cơ quan chức năng có cơ sở xử lý ngay.

PGS.TS Lê Trung Chơn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển bền vững, Đại học Tài nguyên Môi trường TP HCM nhìn nhận, khi thực hiện dự án quản lý trật tự xây dựng trên nền tảng GIS tại quận 12, khó khăn nhất là quy trình chuẩn hóa, chuyển đổi các loại dữ liệu khác sang dữ liệu GIS. Với các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, thông tin tách thửa nhiều, lượng dữ liệu rất nhiều nên việc chuyển đổi sang dữ liệu GIS là thách thức lớn. Do vậy, ông đề xuất các đơn vị tư vấn phối hợp cơ quan chức năng thực hiện chuyển đổi cần quy định trách nhiệm các bên liên quan về quản lý, bảo mật dữ liệu.

Ông Võ Ngọc Hải, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Thống kê khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, cho biết đơn vị sẽ hỗ trợ kết nối các nhà cung cấp và cơ quan quản lý có nhu cầu để đàm phán, tiến tới chuyển giao công nghệ phục vụ ứng dụng thực tế.

Nguồn: TP HCM ứng dụng công nghệ GIS phát hiện xây dựng trái phép – Báo VnExpress